Cách các nước xử lý trường hợp khách bị cấm nhập cảnh
Bị cấm nhập cảnh khi đã đến sân bay là chuyện xui xẻo mà không khách du lịch nào mong muốn. Dưới đây là cách xử lý trường hợp khách bị cấm nhập cảnh ở một vài nước.
Thông thường, hành khách nước ngoài khi đến một đất nước đều phải tới khu nhập cảnh. Bằng cách kiểm tra hệ thống dữ liệu trong máy, nhân viên hải quan sẽ quyết định hành khách được nhập cảnh hay không.
“Visa (thị thực) không cấp cho bạn quyền tiến vào một quốc gia mà chỉ giúp bạn có quyền đăng ký tại khu vực nhập cảnh”, Travel Stack Exchange giải thích.
Điều kiện để kinh doanh:
Travel Stack Exchange cho biết trong trường hợp hành khách bị cấm nhập cảnh, hãng hàng không đưa họ tới sẽ phải chịu trách nhiệm. Trong thời gian chờ chuyến bay đầu tiên chở họ về nước, hành khách sẽ phải ở trong một khu cách ly riêng.
Hãng hàng không cũng có thể bị phạt khoảng 5.000 USD với mỗi hành khách bị cấm nhập cảnh nếu việc một quốc gia từ chối cho họ nhập cảnh liên quan đến sai lầm của hãng. Khoản tiền phạt có thể thay đổi tại các nước khác nhau.
Đây không phải là chính sách của các hãng hàng không. Họ không có quyền đưa một hành khách tới những nước không cho phép người đó nhập cảnh. Họ phải tuân thủ theo luật pháp của nước sở tại như một điều kiện để tiếp tục kinh doanh.
Một số quốc gia sẽ đánh dấu trên hộ chiếu của hành khách bị cấm nhập cảnh. Hành động ấy sẽ khiến người sở hữu hộ chiếu gặp khó khăn trong việc xin nhập cảnh vào bất cứ nước nào sau đó.
Cách xử lý những trường hợp bị cấm nhập cảnh:
Tại Mỹ, ưu tiên hàng đầu là đưa hành khách bị cấm nhập cảnh ra khỏi đất nước. Dù hành khách có khả năng chi trả chi phí phát sinh hay không, hãng hàng không đưa khách tới phải có trách nhiệm với họ.
Ở Anh, Luật Nhập cư năm 1971 ghi rõ rằng trong trường hợp một người tới Vương quốc Anh và bị cấm nhập cảnh, các quan chức của cơ quan nhập cư có thể giao người này cho thuyền trưởng hoặc cơ trưởng của phương tiện đưa họ đến và yêu cầu đưa người đó ra khỏi vương quốc.
Theo luật, nhà chức trách cũng có thể giao người nước ngoài bị cấm nhập cảnh cho người đại diện của hãng hàng không đưa họ đến và yêu cầu trả họ về nước trên bất cứ máy bay nào.
Trong trường hợp hãng hàng không đưa người nước ngoài bị từ chối nhập cảnh đến không có chuyến bay trực tiếp trả họ về nước, hãng sẽ phải trả tiền để hành khách đó lên một chuyến tàu hoặc chuyến bay của hãng khác.
Theo một tuyên bố của Cục Di trú Singapore (ICA) ngày 29/10, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế khuyến nghị các hãng hàng không được phép thu những chi phí phát sinh từ các hành khách bị cấm nhập cảnh.
Giới chức hàng không New Zealand cho biết, trung bình mỗi tuần, họ cấm nhập cảnh đối với hơn 40 người nước ngoài
Những sự cố với nhân viên hải quan:
Một công dân Mỹ giấu tên kể anh chưa bao giờ bị cấm nhập cảnh vào bất cứ nước nào mà anh tới. Anh từng đến châu Âu, châu Á, Mexico, Jamaica, Canada.
Tuy nhiên, vì một số lý do, người đàn ông này gặp rắc rối khi tới Australia. Tại khu vực quá cảnh ở sân bay, những quan chức của cơ quan nhập cư yêu cầu anh đứng sang một bên.
“Một người đàn ông chất vấn tôi trong khi những người khác kiểm tra hành lý. Ông ấy đặc biệt quan tâm tới lý do tại sao tôi tới từ thành phố Manila của Philippines mà lại có hộ chiếu Mỹ”, anh nói.
Sau khi giải thích về chuyện người ông sống ở Philippines trả tiền cho chuyến đi tới Australia của anh cũng như trình bày các thông tin như khách sạn và thời gian cư trú, anh được phép nhập cảnh.
Jenny, một công dân Anh, cho biết, bạn của anh trai cô trở về từ Mỹ để tham dự đám cưới. Khi về Mỹ, anh không thể tái nhập cảnh bởi hộ chiếu không cho phép.
“Cuối cùng, 6 tháng sau, anh cũng lấy được visa mới để nhập cảnh. Điều may mắn là anh ấy có thể làm việc từ xa. Do đó, anh vẫn có việc làm khi quay lại Mỹ”, Jenny nói.
Gloria, một công dân Anh, cho hay cô ký hợp đồng giảng dạy một năm tại Mỹ. Cô có giấy phép lao động và thị thực nhập cảnh nhiều lần. Visa của cô vẫn hợp lệ cho tới cuối tháng 8.
“Tôi trở về nhà trong dịp hè vào quay lại Mỹ hồi tháng 8. Họ từ chối cho tôi nhập cảnh và giữ tôi tại khu di trú”, cô chia sẻ.
Sau đó, Gloria biết rằng, trong trường hợp này, thị thực nhập cảnh nhiều lần của cô hết tác dụng vào cuối năm học. Trong thời gian đó, cô vẫn có thể ở lại nhưng không thể đi du lịch nước ngoài rồi quay về Mỹ.
Nguồn: https://znews.vn/cach-cac-nuoc-xu-ly-truong-hop-khach-bi-cam-nhap-canh-post595643.html
Bạn muốn đi du lịch, khám phá các địa điểm du lịch thú vị trên thế giới có thể liên hệ đến chúng tôi. Chúng tôi cung cấp dịch vụ làm visa, bán vé máy bay, đặt phòng khách sạn, tour du lịch trong nước và quốc tế giá cả cạnh tranh nhất.
>>> Xem thêm: Singapore: Người bị từ chối nhập cảnh Singapore phải trả phí phát sinh
Xin cảm ơn !